Có lẽ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian gần đây. Với quy mô là tổ chức thương mại lớn nhất thế giới sau WTO, TPP có rất nhiều điều khoản tác động sâu rộng đến chính sách nhiều quốc gia, trong đó có điều khoản về vấn đề bản quyền. Chính vì thế "Cục thúc đẩy văn hóa Nhật Bản" đang xem xét sửa đổi luật về bản quyền để phù hợp với hiệp định này. Theo điều khoản về sở hữu trí tuệ, TPP yêu cầu các 12 nước thành viên tham gia ký kết phải đề ra một mức tiêu chuẩn tối thiểu để bảo vệ cho các thương hiệu, bản quyền và bằng sáng chế. Trong đó cũng bao gồm một quy định kéo dài thời hạn bảo vệ bản quyền sau cái chết của tác giả lên 70 năm (tương tự như Hoa Kỳ) thay vì chỉ 50 năm như hiện nay. Điều khoản về bản quyền này cũng cho phép cơ quan thực thi pháp luật được phép đơn phương xử lý các trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không cần đơn vị sở hữu bản quyền khiếu kiện nếu như hành động xâm phạm bản quyền đó có “quy mô thương mại” (nguyên văn là “commercial scale”). Tuy nhiên nếu hành động đó “không ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận công việc” thì được miễn truy tố. Tại Nhật hiện nay, một cá nhân hay tổ chức xâm phạm bản quyền chỉ có thể bị truy tố nếu như đơn vị sở hữu bản quyền đâm đơn khiếu kiện. Lễ hội Comiket lần thứ 88. TPP được cho sẽ tác động mạnh tới ngành công nghiệp manga/anime Nhật Bản. Vào tháng 5 vừa rồi, chính phủ Nhật Bản đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt để đánh giá TPP sẽ ảnh hưởng thế nào đến những sự kiện như Comiket. Vì cơ bản những sản phẩm được bán trong lễ hội này đa số đều dựa trên những tác phẩm sáng tạo của người khác, điển hình là doujinshi. Bộ giáo dục, bộ văn hóa, bộ thể thao, bộ khoa học và công nghệ Nhật Bản cũng đã mở một cuộc họp tiểu ban về luật bản quyền vào đầu tháng này để thảo luận về quy định sở hữu trí tuệ của TPP. Đạo luật được các nhóm ngành công nghiệp ủng hộ mạnh mẽ như Hiệp hội quyền tác giả Nhật Bản (JASRAC) hay Hiệp hội các nhà sản xuất hoạt họa Nhật Bản (MPPAJ). Tuy nhiên JASRAC cũng đề nghị làm rõ các thuật ngữ như “quy mô thương mại” hay thế nào thì được coi là “ảnh hưởng nghiêm trọng”. Các tổ chức cũng yêu cầu những người sở hữu bản quyền nên được tư vấn về những hành vi như thế nào thì được coi là xâm phạm bản quyền của họ. Trước đó chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố, nếu phải sửa luật, họ sẽ sửa luật theo hướng không ảnh hưởng đến sở thích của người dân. Tác giả Akamatsu Ken Nhiều người cũng đã lên tiếng phản đối TPP khi cho rằng nó ảnh hưởng tới quyền lợi độc giả như tác giả manga Akamatsu Ken (người đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng như Love Hina, Negima). Nhiều chuyên gia như luật sư kiêm giáo sư trường đại học Nihon, Fukui Kensaku, cũng đã lên tiếng tranh luận về hiệp định này. |