<div class="bg3">Khi người người, nhà nhà ở Việt Nam, đang hân hoan trong không khí Tết thì các du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản lại bận rộn với đợt thi cử cuối kỳ.
Các sinh viên Việt Nam tại Nhật cùng nhau đón Tết.
Ai có đến Nhật mùa xuân, này mới thấu hiểu hết nỗi buồn của những người con xa xứ. Không giống các nước khác, kì nghỉ xuân của các trường học ở Nhật thường muộn hơn so với Tết ta khoảng một tuần.
Nhớ nhà, nhớ Tết, nhớ những giây phút đoàn tụ nghỉ ngơi. Chỉ là cái sự nhớ thôi, đối với các du học sinh của chúng ta lúc này cũng là một điều xa xỉ lắm. Nhớ thì lòng sẽ yếu, nhớ thì ý chí sẽ mềm, nhớ thì kết quả của một kì sẽ kém đi trông thấy.
Thế nên, không ai bảo ai, mỗi người đều tự tìm một góc nhỏ trong trái tim, tạm thời giấu đi nỗi nhớ, rồi động viên nhau cố nốt mấy ngày này, hẹn thi xong rồi sẽ cùng nhau đi “mót” Tết.
Linh, Giang, Ngọc Anh, An - Đại học AU, Nhật Bản.
Có điều là cái nỗi nhớ càng giấu nó lại càng khắc khoải, nghẹn ngào. Đến những chàng trai thường ngày cứng cỏi lạnh lùng nhất, những ngày này cũng chạnh lòng mà gửi gắm nỗi nhớ vào dòng văn.
Trần Vương Tùng (Tokyo) viết trên blog cá nhân: “Học bài vào đêm 30…Phải chi mà mẹ lên mạng lúc này”.
Còn Nguyên Quang Minh (Yokohama) chia sẻ: “Buổi chiều thức dậy, nhìn bầu trời xanh qua khung cửa sổ, thấy lòng thoải mái, tạm bỏ mặc những lo nghĩ hiện tại. Chợt bắt gặp một bài báo trên mạng, nói về nỗi lòng người con xa gia đình ngày Tết. Ơi sao bầu trời xanh lại có nước kìa…”
Còn Nguyên Quang Minh (Yokohama) chia sẻ: “Buổi chiều thức dậy, nhìn bầu trời xanh qua khung cửa sổ, thấy lòng thoải mái, tạm bỏ mặc những lo nghĩ hiện tại. Chợt bắt gặp một bài báo trên mạng, nói về nỗi lòng người con xa gia đình ngày Tết. Ơi sao bầu trời xanh lại có nước kìa…”
Nguyễn Hải Anh Tuấn (Kumamoto) thì tâm sự: “Nhà làm tất niên, gọi điện về cho bố. Mẹ còn kể chuyện mình hồi nhỏ thả cá tiễn ông Táo trượt vẹo cả chân, rồi mẹ khóc, mình cười được vài giây, rồi cũng khóc theo…Chừng giờ mấy năm trước mình khóc, khóc vì đau chân. Bây giờ khóc vẫn vì đau…”
Bạn bè lại cùng nhau khóc, cùng nhau cười, và cùng nhau gạt nước mắt mà “chiến đấu” tiếp. Du học sinh ở Nhật không quá đông, nhưng cũng đủ để tạo thành một cộng đồng nho nhỏ.
Bánh chưng xanh tại Nhật.
Dù bên này điều kiện thiếu thốn, mọi người vẫn cố gắng để mâm cơm ngày Tết có con gà luộc, đĩa thịt ba chỉ, bát canh măng, và không thể thiếu chiếc bánh chưng gói lá dong xanh mướt mắt.
Bạn Linh (APU năm 2) tâm sự: “Từ bé đến giờ chưa bao giờ ăn cái bánh chưng nào ngon đến thế”. Cũng phải thôi, cái bánh nhỏ mà chứa cả một nền văn hoá, chứa cả những nỗi nhớ ngút ngàn, hỏi không ngon sao được.
Thời tiết ở Nhật mấy hôm nay lạnh. Cái lạnh cắt da cắt thịt ấy lại càng khắc sâu vào long người niềm khao khát trở về cố hương, ngồi bên mẹ hiền nghe giọng cha trầm ấm. Ngày 27 Tết, APU (Beppu) bão tuyết phủ trắng mấy ngọn đồi. Trường thông báo có khả năng xe buýt sẽ ngừng hoạt động, dừng lịch thi, chuyển bù vào thứ 7. Những người đã đặt vé về Việt Nam lo lắng đứng ngồi không yên.
May sao trời không phụ lòng người, buổi thi vẫn diễn ra suôn sẻ. Nhưng đúng đêm 30 Tết, chuyến bay Fukuoka-Sài gòn của hãng hàng không China Airlines buộc phải dừng ở Đài Bắc (Đài Loan) tránh tuyết. Tất cả hành khách được đặt phòng trong khách sạn hạng sang, ăn tất niên buffet trong nhà hàng lớn. Nhưng chẳng có một ai vui vẻ trước cơ hội thưởng thức những món ăn đắt tiền mà không phải lúc nào cũng đến này. Thế mới thấy đã là con cháu Việt Nam, không sơn hào hải vị nào nào ngon bằng nồi canh nóng mẹ nấu lúc trở về nhà.
Nhân ngày đầu năm mới, các lưu học sinh Việt Nam tại Nhật không có điều kiện về nhà đón Tết Tân Mão muốn gửi tới gia đình ở quê nhà lời nhắn nhủ: “Ở bên này chúng con khỏe và nhớ nhà rất nhiều. Bố mẹ và mọi người hãy giữ gìn sức khỏe để chúng con yên tâm học tập và làm việc”.</div>
</div>